Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ 9x chỉ còn một chân
Ngày gặp nạn, người thân, bè bạn không cầm nổi nước mắt nghĩ về tương lai chị sẽ ra sao khi còn một chân. Nhưng, khó khăn càng làm chị thêm yêu cuộc sống, khát khao sống như những đóa hoa, tỏa hương thơm cho đời.
“Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người”
Không may mắn khi bị tai nạn trên đường về quê chịu tang bà ngoại, Nông Thị Bích Ngọc (Lạng Sơn) phải cắt bỏ một chân khi mới 25 tuổi. Với một cô gái vừa mới tốt nghiệp đại học, ôm khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ để bước vào đời, vĩnh viễn mất đi một chân là một mất mát quá lớn.
Những tháng ngày dưỡng thương, chị Ngọc học làm quen với việc tập di chuyển bằng nạng. Đã bao lần cha mẹ chị nghẹn ngào, nước mắt chảy ngược khi chứng kiến những bước đi chập chững của con gái nhỏ tội nghiệp. Họ cũng mừng bởi nghị lực “thép” của chị. Mặc dù tập luyện khiến những giọt mồ hôi túa ra ướt nhẹp mái tóc nhưng chị vẫn mím môi, lết đi đầy quyết tâm.
Gần một năm sau cú sốc ấy, chúng tôi gặp chị Ngọc khi biết chị đang theo học chuyên ngành siêu âm tại Bệnh viện Bạch Mai. Khác với sự tưởng tượng của chúng tôi, Bích Ngọc tự tin, lạc quan, dí dỏm.
Tại khu lưu trú của Bệnh viện Bạch Mai, thấy có khách đến chơi, chị nhảy lò cò ra mở cửa. Chị Ngọc có dáng người nhỏ nhắn, vì đang ở nhà nên chị không đi chân giả. Chân còn lại do ảnh hưởng của vụ tai nạn nên cũng trải qua chữa trị, teo tóp đi rất nhiều.
Chị Nông Thị Bích Ngọc phải tập làm quen với việc đi lại bằng một chân. Ảnh: Ngọc Thi
Dường như những đau khổ là liều thuốc để chị hiểu rõ hơn về định nghĩa hạnh phúc trong cuộc sống. Chị bảo: “Tôi vẫn thấy mình may mắn khi có gia đình, bạn bè ở bên. Hồi còn đi học tôi có quen một bạn cũng bị tai nạn rồi mất một chân như mình.
Mỗi khi nghĩ đến nghị lực của bạn đó thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh. Từng học y nên tôi biết, dù mất một chân nhưng tôi may mắn hơn những người mắc bệnh ung thư, HIV quá nhiều. Với những người đó, tương lai thật tăm tối. Còn tôi, vẫn còn có có thể có một cuộc sống tốt nếu mình cố gắng thật sự”.
Làn da trắng nõn, mọi nét trên khuôn mặt chị không được coi là xuất chúng nhưng hài hòa, cân đối. Điều đặc biệt, nụ cười không bảo giờ tắt trên khuôn mặt chị. Ánh mắt cũng sáng bừng theo nụ cười, chị tạo cảm giác ấm áp, vui vẻ cho người trò chuyện.
Chân phải đã được cắt đi nhiều cơ, sau đó phải xử lí da bị bong lóc và dùng da để che phủ. Ảnh: Ngọc Thi
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2016, ngày tốt nghiệp chị tràn đầy nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Có hoài bão, ước mơ, kiến thức, chị đặt nhiều niềm tin về tương lai trước mắt. Khát khao trở thành một bác sĩ đủ đức, đủ tài chưa bao giờ ngừng cháy trong chị.
Ngày ấy, chị cảm thấy may mắn so với bạn bè cùng trang lứa mới ra trường khi đã thi tuyển và được vào làm hợp đồng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đó là một môi trường mà chị muốn gắn bó. Ham học hỏi, hòa nhã, thân thiện nên chị được đồng nghiệp, bệnh nhân tin yêu.
Đó là những tháng ngày đẹp đẽ và chị cũng nhủ lòng mình phải cố gắng thật nhiều. Nhưng, mọi thứ chẳng êm đềm như thế. Ngày 10/10/2016, khi bà ngoại qua đời, bố mẹ chị về quê từ hôm trước, còn chị Ngọc đợi em trai đi học về rồi cả hai về quê.
Trên đường về chịu tang bà, đi qua đoạn đường đang làm, tầm nhìn bị che khuất nên chị Ngọc bị ngã, không may, đúng lúc đó có một chiếc xe ô tô phía sau đi lên chèn qua người.
Nến cong nhưng ngọn lửa thẳng
Bố mẹ chị nhận tin con gái bị tai nạn vội vã bỏ việc tang để đi ngay vào viện. Chị Ngọc được đưa vào viện trong tình trạng rất nguy cấp, chân bên trái bị dập nát hoại tử nên ngay lúc đó phải tiến hành cắt bỏ ngay, còn chân bên phải thì bị cắt lọc, cắt đi nhiều cơ, sau đó phải xử lí da bị bong lóc và dùng da ở chỗ khác để che phủ.
Các bác sĩ bệnh viện cũng xót thương cho chị, một người sẽ là đồng nghiệp của họ trong thời gian gần nếu như không xảy ra tai nạn. Người thân, bè bạn không cầm nổi nước mắt khi nghĩ đến tương lai.
Chị cũng có một tình yêu mà bản thân nghĩ cả hai sẽ đi đến bến đỗ cuối cùng khi ổn định công việc. Vụ tai nạn khiến cơ thể chị không còn lành lặn cũng là một phần nguyên nhân khiến tình yêu đó rạn nứt. Bản thân chị không trách người đó, chị hiểu mình không toàn vẹn, khó chăm lo, hứa hẹn một tương lai đúng nghĩa. Trong thâm tâm, chị mong người ấy có thể tìm được hạnh phúc đích thực.
Nông Thị Bích Ngọc luôn được các bạn tin yêu, giúp đỡ việc đi lại. Ảnh: Ngọc Thi
Ngày hôm nay, hơn ai hết, chị hiểu chỉ có sống tốt, vui, khỏe thì người thân mới yên lòng. Mất nửa năm điều trị, chị quyết định đi học lên cao để thực hiện ước mơ dang dở của mình.
Chị Ngọc bảo, chính những tình cảm của bạn bè, người thân, cộng đồng dành cho chị đã khiến những đớn đau tan biến để trả lại một Bích Ngọc hồn nhiên, yêu đời như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Chị Ngọc đã mạnh dạn liên hệ với phía bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn để xin được tiếp tục công việc sau khi học xong. “Nếu giỏi chuyên môn thực sự thì vẫn có thể trở thành một bác sĩ dù đi lại hơi khó chút. Tôi vẫn luôn muốn mình được làm đúng nghề. Hiện, tôi được các bạn giúp đỡ rất nhiều, sáng nào các bạn cũng đợi tôi để hỗ trợ việc lên cầu thang…”, chị Ngọc cho biết.
Chị Ngọc thiệt thòi so với những người lành lặn khi mất đi một chân nhưng không có nghĩa đó là một điều tồi tệ. Chị như ngọn nến cong nhưng có ngọn lửa thẳng, ngọn lửa đó chính là nghị lực vươn lên. Dù có khuyết điểm hay hoàn hảo thì chị vẫn cháy hết mình với cuộc sống để thắp sáng tương lai.
Ngọc Thi